Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 2, 29/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Luân chuyển cán bộ: Cần ba chữ “thực” 

Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 24-KL/TƯ về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 158/2007/NĐ-CP quy định những vị trí công tác "nhạy cảm” sẽ phải luân chuyển định kỳ để chống tiêu cực. Tuy nhiên câu chuyện luân chuyển cán bộ thế nào cho hiệu quả để vừa tạo được cán bộ nguồn, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương, vừa khắc phục được tình trạng trì trệ của cán bộ là đi
Khó luân chuyển cán bộ ở vị trí "nhạy cảm”
 
Trong Nghị định 158/2007/NĐ-CP (Nghị định 158) đã quy định danh mục 21 vị trí công tác "nhạy cảm” sẽ phải luân chuyển cán bộ công chức (CBCC) định kỳ 3 năm/lần. Những vị trí công tác "nhạy cảm” gồm cán bộ các ngành hải quan, ngân hàng, thanh tra, tài chính, kiểm toán, thuế, cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý thị trường… và các hoạt động quản lý như cấp phát giấy đăng ký, giấy phép. Thế nhưng, câu chuyện hiệu quả của việc luân chuyển này tới đâu vẫn còn nhiều điều phải bàn. Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường cho biết: Câu chuyện luân chuyển những chức danh "nhạy cảm” theo Nghị định 158 rất khó thực hiện. Bởi có những vị trí chức danh "chỉ có 1 người làm, nếu luân chuyển cán bộ này ai sẽ tiếp tục những công việc nơi cán bộ đang công tác? Hơn nữa, những vị trí công tác như địa chính xã, kế toán hay trưởng phòng là công việc gắn với chuyên môn đào tạo rất mất thời gian. Nếu theo Nghị định 3 năm phải luân chuyển thì cán bộ vừa mới quen việc đã phải lục tục luân chuyển. Đồng quan điểm trên, bà Cao Thị Loan, Trưởng phòng Nội vụ Q.Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho hay: Hầu như chỉ có ngành giáo dục (luân chuyển 15 người giữa các trường) và khối phường (luân chuyển được 9 người, chủ yếu chức danh công chức) là thực hiện thuận lợi hơn các ngành khác. Còn với các chức danh chuyên môn khác như: Cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quản lý và cấp phát các loại giấy đăng ký, GCN; chấp hành viên thi hành án dân sự; quản lý xây dựng cơ bản… đều gặp khó khăn "vì đây là những lĩnh vực cần chuyên sâu nghiệp vụ, kỹ năng công tác”.

 
"Việc luân chuyển ngang trong các sở, ngành, quận, huyện gặp nhiều khó khăn, không khả thi” - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Châu Minh Tỷ nhận định. Ông Tỷ cho rằng, có nhiều trường hợp không thể luân chuyển được như kế toán chẳng hạn. Nếu CBCC theo ngành dọc thì còn có thể điều từ quận này sang quận kia nhưng luân chuyển ngang thì rất nan giải. Bên cạnh đó, còn nhiều chính sách chưa khuyến khích cán bộ luân chuyển như: Phụ cấp đi xa, nhà ở công vụ, chính sách "hậu” luân chuyển… chưa giải quyết tốt dẫn đến người trong diện luân chuyển tỏ ra rất nản khi được luân chuyển. Trong thực tế, nhiều cán bộ làm việc ở những lĩnh vực liên quan đến quyền lợi như đất đai, tài chính... có tâm lý ngại luân chuyển. Bởi, bản thân một số người đứng đầu đơn vị, khi được yêu cầu lên kế hoạch luân chuyển ở đơn vị mình lại có thái độ né tránh, do ngại đụng chạm đến quyền lợi của cấp dưới. Thậm chí, một số cán bộ "có dư luận quần chúng” hoặc "giàu lên nhanh chóng” nhưng chưa kịp làm rõ, liền được cấp trên luân chuyển sang nơi khác, gây ra những bán tín bán nghi trong nội bộ.

 
Đó là chưa kể đến chuyện trên thực tế ở nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng luân chuyển theo kiểu "trình diễn” không hiệu quả. Thậm chí, nhiều cán bộ vừa nhận quyết định luân chuyển đã nghĩ ngay đến ngày… "hồi hương”. Với tư duy đó, ở vị trí công tác mới, họ luôn luôn giữ mình, ngại va chạm đấu tranh, không thực sự gắn mình với cơ sở, không dám làm, dám chịu trách nhiệm. Và, trong quá trình luân chuyển, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo nảy sinh tình trạng tiêu cực do trường hợp người bị luân chuyển không hợp phe cánh với lãnh đạo; hay nặng hơn có thể bị thành kiến.
 
Làm sao cho hiệu quả?
 
Luân chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến cơ sở và ngược lại là chủ trương đúng đắn để tăng cường cán bộ trình độ cao cho cơ sở đồng thời giúp đào tạo cán bộ nguồn cho địa phương, vậy tại sao nhiều tỉnh, thành không quyết liệt làm? Lý giải điều này, ông Lê Quốc Cường cho hay: Ở nhiều nơi, việc luân chuyển, đào tạo cán bộ chưa căn cứ trên cơ sở kết quả đánh giá và quy hoạch; việc lựa chọn địa bàn, chức danh cho cán bộ luân chuyển còn thiếu hợp lý, có trường hợp còn vừa trái ngành, trái nghề, vừa không đáp ứng yêu cầu đào tạo, nên hạn chế sự đóng góp của cán bộ đối với địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa phân định rõ công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ theo quy hoạch với điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau khi hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển chưa đúng người, đúng việc, gây băn khoăn, thắc mắc. Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các đơn vị trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể với quản lý nhà nước nhìn chung còn ít, còn khép kín, cắt khúc, chưa tạo được sự liên thông, chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ... đó là lý do dẫn tới tinh trạng nhiều nơi luân chuyển cho có.

Nhiều ý kiến đề xuất, để chủ trương luân chuyển cán bộ có hiệu quả cần làm đúng, làm đủ ba chữ "thực”: Đó là thực chất, thực người và thực việc. Thực chất nghĩa là không làm theo kiểu hình thức, làm để báo cáo thành tích, đặc biệt chú trọng đến việc cán bộ, công chức sau khi đi luân chuyển phải thu được kết quả gì. Muốn thực chất, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch luân chuyển theo định hướng đã được quy hoạch, phải thực sự để cán bộ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn công tác. Thực người tức là phải đúng đối tượng. Đó là những người có khả năng, phẩm chất tốt, còn đủ tuổi công tác, trong đó tập trung vào những đối tượng thuộc diện nguồn kế cận. Tránh tình trạng luân chuyển những cán bộ đã nhiều tuổi, những cán bộ, công chức năng lực kém, vi phạm khuyết điểm, gây khó khăn cho đơn vị, cơ sở. Thực việc là phải lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất và năng lực. Cần hết sức tránh việc luân chuyển cán bộ, công chức theo kiểu "đánh đố” họ. Chẳng hạn, cán bộ thuế vụ chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục; công chức chuyên về chứng khoán điều chuyển đi làm cán bộ phụ trách văn hóa thể thao...
 
Để công tác luân chuyển cán bộ được thực chất, thực người và thực việc rất cần có một bộ phận theo dõi, bao quát, điều phối công tác này. Đồng thời phải kịp thời chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức được luân chuyển làm việc cầm chừng với trạng thái "nín thở” chờ hết hạn luân chuyển, làm mất đi ý nghĩa tích cực của việc luân chuyển cán bộ.

theo daidoanket.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển